Sơn Nam

HỒI KÝ SƠN NAM - tập 1

TỪ U MINH ÐẾN CẦN THƠ


Chương 1
             

Tôi chào đời vào năm 1926 ở vùng U Minh Hạ, thuộc khu vực rừng tràm trầm thủy ven vịnh Xiêm La mà Pháp khoanh vùng để bảo quản và quản lý khá chặt chẽ, tuy nhiên người dân địa phưong có thể đốn cây tươi để bán lẻ tẻ hoặc dùng trong gia đình. Ðây là khu vực thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang,với con rạch Thứ Sáu, hệ thống rạch mà Gia Ðịnh Thành Thông Chí đời Gia Long đã mô tả. Hơn chục con rạch ngắn, cong queo,bắt nguồn từ giữa rừng chảy ra biển ,từ Ðông sang Tây, chẳng dính dấp gì đến con sông Hậu Giang. Mùa mưa, nước tràn vùng trũng, chịu ảnh hưởng hải triều, 24 giờ có hai lần lớn ròng, vì vậy, nước dưới rạch như mãi lưu thông. Tóm lại,nước dưới rạch không chảy từ đất cao xuống hạ lưu đất thấp.Bờ biển là bãi bùn phù sa, đầy cây mấm, cây giá không có giá trị kinh tế như cây đước.Nhà ở bờ rạch, ra biển khoảng 4 kilômét, ấy thế mà từ thuở lọt lòng đến hơn 10 mét, đầy cây mấm,cây giá,muỗi mòng bay ào ào ngày như đêm,bước xuống thì lún ngang đầu gối.Rừng cũng vậy,mãn năm sình lầy ,dưới bùn lố nhố những gốc cây đã chết hoặc cây sậy , đế,khá bén nhọn. Ấy thế mà người dân đi chân đất, gần như chẳng bao giờ bị thương tích đáng kể. Lớn lên, được dịp đi tận Hà Tiên rồi Vũng Tàu hoặc Nha Trang ,tôi vui sướng vô cùng. Rõ ràng là biển của xứ người trông thơ mộng, sạch sẽ với bãi cát trắng hoặc vàng nước biển xanh đậm không như phía vịnh Xiêm La toàn là phù sa màu vàng  sậm, màu nâu. Khác hẳn rừng miền Ðông nơi có suối,có hốc đá,nơi con nai ngơ ngác uống ánh trăng vàng. Chung quanh nhà ,nơi tôi chào đời, đầy lau sậy,luôn luôn có muỗi lại còn ong rừng (gọi ong mật).Hừng sáng,trẻ con dễ đói bụng,thường đi tìm đám lau sậy hoặc cây tạp mà gặp tổ ong mật, ổ còn nhỏ ni tấc cỡ cái bánh tráng(bánh đa).Vắt mật ong,uống tại chổ gọi là ăn điểm tâm,lát sau ra về, lừng khừng như kẻ say rượu vì mật ong có rượu,gây khó chịu lúc đói bụng. Lắm khi trẻ con đi dạo trong đồng cỏ, thu hoạch được chút ít mật ong, đem lại tiệm quán đổi lấy vài viên kẹo.Mật ong quá ít, bán chẳng ai mua, muốn bán thì phải có số lượng vài chục lít, đem ra tỉnh lỵ. Cũng như cá lóc, cá trê, muốn thu hoạch khối lượng to cần có thương lái gíup vốn sắm xuồng , sắm câu, ưới để sống tạm qua ngày.

Xóm tôi hồi đó còn vài mươi gia đình người Khơme, người lớn tuổi bảo rằng họ tản cư đến khi Pháp đánh chiếm hồi cuối thế kỷ 19, dân số Khơme dường như không tăng không giảm vì trẻ con kém săn sóc dễ bị đào thải từ tấm bé. Gần xóm, vài ao nước tương đối ngọt với thềm cao .Thỉnh thoảng,dân bắt rắn ,bắt lươn dùng chỉa mà xom,phát hiện vài lỗ trống ,bên dưới đầy lươn và xương người nát bấy,nhưng tóc còn nguyên vẹn. Mộ của người đến U Minh, sống nghèo túng rồi mất từ xa xưa.

Ông nội tôi chào đời ở cù lao Ông Chưởng (An Giang) khoảng 1840, ông cố tôi cũng ở đấy,từ xưa. Ông nội tôi chạy giặc Pháp ,qua Rạch Giá, đến Cù Là rồi xuống U Minh. Bấy giờ Pháp cho trưng khẩn đất tự do,nhưng ai cũng chán chê vì đất quá úng, chưa có dân lưu tán đến, họ chờ mãi vẫn không thấy người Pháp cho đào kinh thủy lợi. Ðất hoang ấy phải trả lại cho nhà nước để khỏi đóng thuế, chỉ giữ chút ít diện tích để đào đìa (ao nuôi cá)hoặc chờ mùa nắng cá tự động gom vào trũng .Hồi mới đến định cư,thử trồng một cây khế ,nay đã còi cọc,trông khôi hài nhưng có giá trị vì lớn tuổi hơn tôi. Bác hai của tôi phá rừng ,trồng vài mươi cây dưà nơi đất úng ,về sau,trồng một cây mai vàng,gần Tết cũng trỏ vài bông . Bác tôi giữ búi tóc,thích giao thiệp với xóm người Khơme nói trên, ông rành tiếng Khome, lại có khả năng kể chuyện cổ tích Khơme cho trẻ con nghe ,và thích lên đồng bóng (gọi xây Á-rặc)mời thần thánh địa phương người Khơme nhập vào.

Lúc ấy , ông uống rượu,xem bói tướng cho người địa phương. Ông kể chuyện xưa ngày khẩn hoang, không cường điệu, tôi còn giữ được vài ấn tượng sâu sắc, nhờ vậy mà sau nầy tôi viết quyển Lịch sử khẩn hoang miền Nam với thái độ tự tin. Hồi chế độ cũ, tôi cố gắng viết những truyện ngắn, sau nầy gom lại lấy nhan đề Hương Rừng Cà Mau.Người khen kẻ chê nhưng nên nhớ rằng chế độ kiểm duyệt lúc ấy tinh tế lắm.Tôi gởi một quyển về cho bác Hai tôi, ông không biết chữ Hán chữ Quốc ngữ gì cả, nhờ đứa cháu ngoại đọc lại, năm ấy bác đã khoảng 90 tuổi. Ðứa cháu ấy viết lá thơ ngắn gởi lên Sài Gòn, tóm tắt ý kiến của bác mà tôi vô cùng trân trọng: “Thằng nầy nói dóc, nghe được quá.Nói dóc mà có căn cứ”. Phải rồi, truyện ngắn, truyện kể gì gì đều là loại hư cấu.Nhưng hư cấu phải có căn. Có căn tức là mang cốt lõi hiện thực. Lời nhận xét của bác Hai khiến tôi hãnh diện với thâm tâm.

Lớn lên, đâu khoảng tôi 6 tuổi, cha tôi là con út trong gia đình bèn rời bỏ quê hương đi khẩn đất, lên phía Bắc, ven vịnh  Thái Lan, cách thị xã Rạch Giá chừng 15 kilômét phía Hà Tiên (nay gọi là vùng ven khu Tứ Giác). Bấy giờ con kinh Rạch Giá-Hà Tiên vừa đào xong nhưng chưa được sử dụng vì bên bờ thưa thớt dân cư, nước phèn mặn.Dọc theo mé biển nhiều giồng cát cao ráo đã có người khơme định cư, co cụm trên cao, ven giồng là đất thấp, úng lụt. Thêm vài ngọn đồi thơ mộng,dính vào đất liền, gọi là vùng Hòn Chông, Ba Hòn với hai cột đá cao, nằm nghiêng một chiều, gọi hòn Phụ Tử rồi lên Hà Tiên gặp nhiều hòn đá vôi (xi măng Hà Tiên). Ăn đến biên giới là những thắng cảnh như Tô Châu, Đông Hồ, Thạch Ðộng, gần xa ngoài biển là hàng chục đảo lớn nhỏ, khi trời quang mây tạnh, nhìn thấy dạng đảo Phú Quốc khá cao và dài.

Không khí u buồn nhưng chưa quá ảm đạm.Còn đâu thời Mạc Thiên Tứ với Chiêu Anh Các!
Phía đông của toàn dải đất bao la,trông nhàm chán nầy là dãy Thất Sơn dọc theo Biên giới,phía Tây Bắc rồi xuống phía Nam là sông Hậu khá rộng (nhánh của sông Tiền,tức sông Cửu Long).Giống hệt như phía Ðồng Tháp Mười với cỏ bàng, và hàng trăm thứ cỏ cao,cỏ thấp chẳng có giá trị kinh tế.Có thể nói nơi tiếp giáp với nước Cam Bốt là Ðồng Tháp Mười và khu vực Tứ Giác nói trên, riêng khu Tứ Giác đã được Thoại Ngọc Hầu từ cuối đời Gia Long khoanh vùng với kinh Vĩnh Tế và kinh Thoại Hà (Long Xuyên).Giữa biển cỏ hoang vắng nầy,nhô lên núi Ba Thê với di chỉ quan trọng của nước Phù Nam xa xưa hồi đầu Tây lịch. Khu Tứ Giác, kể luôn Ðồng Tháp Mười là đất khắc nghiệt , đã nhận chìm nước Phù Nam nay ít ai biết.Và các nhà khảo cứu còn đang mò mẫm tìm hiểu:Dân Phù Nam từ đâu đến và họ đã đi về đâu?Cánh đồng cỏ bao la nầy được người Việt trổ tài khai phá, tuy phải đối đầu với môi trường xa lạ,nhầt là về thủy văn.Khác hẳn cánh đồng của sông Hương, sông Thu Bồn hoặc có qui mô như sông Ðồng Nai. Những cơn lụt thường niên xuất phát từ Tây Tạng ,Lào,Cam Bốt nhưng Thoại Ngọc Hầu đã phân vùng khá chính xác với hai con kinh phía Bắc và phía Nam,nhờ vậy mà tên tuổi của ông được hậu thế mãi ghi nhớ.

Nếu vùng U Minh phía Nam ven biển vịnh Xiêm La, nơi tôi chào đời (xã Ðông Thái, ấp Giữa ) còn khó tìm trên bản đồ thì xóm Sóc Xoài, nơi cha tôi đến khẩn hoang đợt sau khó tìm hơn,thuộc xã Sóc Sơn,ngay rạch Tà Lúa. Ðất phèn và mặn, phải đào ao,uống tạm, nấu cơm. Ít ai bệnh hoạn vì loại nước ao nầy,vài người cho rằng bấy giờ ta chưa dùng thuốc trừ sâu. Núi thấp ngoài biển rải rác nhiều đảo nhỏ, gần bờ là những bầy quạ đen hoặc bầy ó. Hình dáng con ó được tả lại qua câu thai đố: “mình dà (đà) mặc áo cũng dà.Tay xách con gà, đầu đội thúng bông.”

Ó đáp xuống,xớt gà con rồi bay lên cao , đầu ó mang chòm lông trắng ...

Chân trời rộng,bên kia vịnh là các nước Thái, Mã Lai nhưng ít giao lưu vì thiều hàng hóa và khả năng mua sắm.Về đâu?Về đâu?Chỉ biết nhìn lên trời,tìm hướng siêu thoát,nương vào mây bay.
Vào mùa mưa, gió Tây Nam của gió mùa đen kịt, từng nhà như sống cô lập,thôi thì ăn tạm chén cơm,chút nước mắm rồi ngủ,dầu đèn không có để mà thấp,chẳng còn chuyện gì để cho người trong nhà bàn bạc với nhau.Cọp beo từ lâu rồi không ai thấy, cường hào ác bá chẳng muốn lấn hiếp kẻ tay trơn, ma quỉ có lẽ đã mất dạng , đến như bầy muỗi lừng danh kêu “như sáo thổi” cũng lẩn trốn khó khăn trong tấm vách lá đang run phần phật. “Thương thay, thập loại chúng sinh!”

Lớn lên, càng già tôi càng hiểu rằng những ấn tượng đầu tiên khi mình còn bé vừa tiếp xúc với cuộc đời cứ theo thời gian mà khắc càng sâu trong tâm thức, không tài nào diễn tả được,khi ẩn khi hiện. Cũng như khi vào trường làng ở vùng nầy, tôi học chung với vài cậu bé Việt lai Hoa, Hoa lai Khơme.Học trò không mấy đứa có khai sinh, tên nghe ngộ nghĩnh như thằng Tứng , thằng Khưng thằng Xa Ðơn. Lắm đứa ở trần mặc quần cụt vào lớp , thỉnh thoảng lén ra ngoài sân rồi trở về nhà.Thầy giáo đành chịu vậy, gắt gỏng quá thì lớp học khó tìm được mươi học trò,chưa nói đến mùa mưa, làm ruộng,vài đứa giúp cha mẹ trong việc đồng áng, hoặc lên cơn sốt rét.Thầy giáo do làng hoặc tổng tuyển chọn, ăn lương khoán. Ngành giáo dục tỉnh thỉnh thoảng gởi đến vài xấp tư liệu, kiểu giáo án, khá tươm tất như là nội san định kỳ, gọi Sư Phạm Học Khóa. Vì vậy, tuy có ít nhiều sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư từ Hà Nội gởi vào, nhưng trường ở xa xôi vẫn dạy theo tư liệu riêng, không sát theo chương trình nhưng gợi cảm hơn.Thí dụ như bài học thuộc lòng :
             Ðêm khuya, nhà vắng , tớ đang sầu,

             Lũ ếch sao bây dám bảo nhau

             Kêu khắp bốn phương nhà tớ ở?

             Này im, nghe tớ hỏi vài câu.

             Bây giận chi mà kêu ếch ộp

             Hay bây có cái thú riêng gì?

             Thú gì, rủ tớ đi theo với,

             Rủ tớ đi đâu tớ cũng đi!

Học trò đọc lên, lúc được thầy giáo gọi “trả bài” lấy làm thích thú,dễ nhớ,như quen thuộc với môi trường đồng không mông quạnh. Lũ trẻ chắc cũng hiểu đại khái nội dung nên cười tủm tỉm;thầy giáo vừa rời quê xứ, đến khu Tứ Giác này để dạy học với đồng lương vô nghĩa cũng có đôi phút chạnh lòng nhớ ruộng, vườn,bờ cỏ hoang vắng, từ thuở ông bà . Kỷ niệm thời thơ ấu bất diệt, mặc dầu đã lớn tuổi.

Học vỡ lòng một đôi năm,cha đua tôi từ xóm Cù Là, xem như cổ kính, gần thị xã Rạch Giá,trên giồng đất cao ráo cũng nhiều người Khơme ở lâu đời,nhưng ruộng tốt,lại có ngã ba sông rạch. Mấy bô lão cho rằng Cù Là là cái xứ bán thứ cao xoa bóp trị bá chứng , do người Cù Là đưa tới,hiểu là người Miến Ðiện (nay Myanmar).Vịnh Xiêm la quả là nơi hội tụ nhỏ bé của vài nước Ðông Nam châu Á. Gần Cù Là nay còn tên đất Xà Xiêm (Sre Xiêm), nơi người Xiêm đến làm ruộng (thời Nguyễn Ánh-Tây Sơn chăng?).Nhưng sôi động nhất là sự hiện diện của người Hoa, phần lớn là Triều Châu,họ mua bán sỉ lẻ, đặc biệt là tổ chức sòng bạc ngày đêm, gần như là công khai.Thanh niên phần đông là lai tạp,chiều chiều đến học võ và trình diễn nào võ Khơme,võ Việt Nam (?),võ Triều Châu,võ Lào,võ Xiêm (nhất là dịp lễ hội ở chùa Phật người Khơme).

Ðược ở trọ nhà người bác ruột, ông có trưng khẩn vài mươi mẫu đất khá tốt,nhà lợp ngói,vách ván,nền lót gạch tàu,rõ là tiêu biểu cho văn minhViệt ở vùng đất tụ hội, giao lưu nầy.Trước sân,nhờ rạch Cù Là được nguồn nước ngọt đưa vào nên trồng khá nhiều cây cảnh như nguyệt quới (quí), ngâu, lài, đặc biệt là hai cội mai vàng.Tết về vàng rực hoa to;hoa cỏn búp,lại còn bàn thờ ông bà,lư hương,nhà hơi thấp,bảo rằng trong nhà phải tối nhá nhem, ông bà phải chịu về với con cháu.Bàn thờ luôn thắp ngọn đèn trứng vịt, đó là lửa thiêng,lửa hương hỏa.Cn cháu ưa thức đêm phải ngủ nhà dưới ,phía trước nơi nấu bếp.

Học hành ngày hai buổi, ngày chủ nhật mới rảnh rang ,dạo chơi sau hè.Cách nhà chừng 100 mét, đã đắp vùng đất khá rộng và cao,gọi thổ mộ,hiểu là nơi chôn cất của riêng dòng họ.Phần mộ ông nội tôi ở đó,mặt bằng,thọ hơn 80 tuổi,mất năm “ Bảo Ðại tam niên”1929.Tuy ở xứ Nam Kỳ thuộc địa , niên hiệu Bảo Ðại của Trung Kỳ vẫn được mến mộ,nhắc nhở văn hóa Việt Nam. Ở thổ mộ,còn giữ được một cây rừng , mọc sẵn,cây chòi mòi,thân không to,cho từng chùm trái nhỏ như hạt tiêu, ăn chua.

Năm ấy,cả xóm náo động lên:Cây “muồng giè” có trái.Tới mà coi!Muồng giè là loại cây rừng,xóm Cù Là còn sót một cây cao cỡ cây dừa lão,thân to và thẳng,lá như lá cây cọ,mọc trơ giữa đất ruộng,sau chùa.Lại bảo rằng cây nầy trăm năm mới có trái một lần, điềm may mắn của cả khu vực.Hằng trăm người bao vây gốc cây,từng chùm trái được thòng xuống.Dân trong xóm mang rổ,thúng đến chia phần xem nó là tài sản công cộng.Trái nó to như trái nhãn, đem về luộc ăn,bên trong có chất bột màu tím dợt,thơm tho.Vài người bảo nếu đem trái ấy mà chà ra bột,làm bánh ăn,ngon như bột hoành tinh.Tôi được ăn thử, để hưởng “lộc nước , ơn trời”.Quả thật là ngon.Từ đấy đến nay, ngao du tận Sài Gòn, miền Ðông Nam Bộ, tôi chỉ nghe văng vẳng tên giống cây nầy,chưa được ăn lần thứ nhì .

Nhờ đi học ở trường làng chính qui, ôi được tiếp xúc với sách giáo khoa do Trần Trọng Kim, NguyễnVăn Ngọc soạn, quen với văn hoá sông Hồng , thí dụ như những câu ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, “Con cò mà đi ăn đêm”, thêm chuyện phương Ðông như “Ðạo bằng hữu phải có thủy chung”, “Lý Mật nuôi bà” hoặc chuyện cổ Tây phương như “Cái lưỡỉ” của Ê-sốp.Vài đoạn ngắn khá thơ mộng, đầy tính nhân bản, đọc qua là thuộc lòng ngay như “Ai bảo chăn trâu là khổ”. Lần đầu tiên học chung với học trò chính qui, có khai sinh, tên cha mẹ.Trong lớp treo bảng Danh dự ghi tên mấy học sinh đứng đầu về điểm trong tháng, lại còn bảng ghi danh sách học sinh thay phiên nhau quét lớp.

Năm học ở Cù Là, tôi được sắp vào hạng giỏi. Học sinh phần lớn siêng năng,rất sợ thầy giáo,quê thầy ở tận Cao Lãnh. Hôm nọ điểm danh thấy vắng một đứa, tên là Mì. Học sinh vắng mặt,có hoặc không xin phép trước là bình thường nhưng chưa chi học sinh nhốn nháo lên.Thằng Mì đến cổng trường, đứng lại chờ mẹ nó nắm tay dắt vào lớp.Mẹ và con bịt khăn tang, đứng do dự trong khi thầy giáo bước tới. Mẹ nó khóc.Thầy giáo nói lẩm bẩm, rồi mẹ nó bước ra về.Thầy bảo rằng hôm nay thằng Mì nghỉ học vì cha nó bị giết tại nhà.Học trò im lặng rồi bàn tán xì xào,thầy giáo như bần thần, không giảng bài tiếng nào cả. Lát sau ,trống đánh tan buổi học.Nhà thằng Mì cách nhà trường khoảng 3 cây số ngàn,nếu đi tắt qua ruộng.Tuy là chuyện của người lớn, học trò như buồn lây,lủi thủi ta về, không ồn ào trước sân như thường lệ.Và ngày hôm sau, lúc đầu giờ mẹ thằng Mì lại dắt nó đến,cũng mặc tang phục, gặp thầy giáo rồi day về phía học sinh, ngỏ lời cảm ơn nhà trường,thầy giáo,các bạn bè học sinh rồi tạm biệt với lý do là sau đám tang, hai mẹ con phải đi về quê,không xa, ở kinh Nước Mặn,bà con dòng họ sẽ giúp đỡ.

Cha thằng Mì chết trong trường hợp nào? Mươi năm sau, thời kháng Pháp, tình cờ tôi theo chân anh em Vệ Quốc Ðoàn đến đóng tại khu vực trường học xưa;Vài người lớn tuổi cho biết mẹ thằng Mì có đời chồng trước, ly thân rồi gặp người chồng sau,sanh ra nó. Người chồng trước trở về đánh ghen,và cha ruột thằng Mì bị chém lúc cãi vã. Người chồng trước bị bắt tại trận, đưa lên tòa đại hình Cần Thơ xử đâu năm năm khổ sai, đày biệt xứ.Thằng Mì tham gia dân quân du kích địa phương,can đảm lắm, đã hy sinh, đồng bạn đã làm lễ truy điệu long trọng.Còn mẹ nó thì nghe đâu đã xuất gia, đi tu đâu phía Cần Thơ. Ông lão kể chuyện rồi chỉ ra phía đồng trống:Mộ nó ngoài kia,xa đường,sình lầy,muốn thăm có người dẫn đường cho.

Bốn gốc mộ,có chôn bốn cái ve chai để đánh dấu sợ thất lạc nhưng chưa thấy ai đến tìm cả.
Tôi ngao ngán,nhớ đến gương mặt nó lúc vào lớp tạm biệt anh em, khi rời quê xứ,năm ấy.Và nhớ đến mẹ nó, tuy tuổi ấy cô đơn,chịu đựng búa rìu dư luận nhưng giữ tư cách đối với thầy giáo,với bạn học của con mình. Ðiều mà gần như ít thấy.Ngày nay, tuy lượng thông tin dồi dào hơn,nhưng cuộc sống càng làm cho con người thêm cô đơn. Bởi vậy, để bớt cô đơn, bức xúc vô lý,con người cần có những gì sốt dẻo gây ấn tượng, nhưng ấn tượng nhiều khi quá nhàm, chỉ làm khuây khỏa tạm thời mà thôi.Thời xưa cái bịnh bức xúc (stress) không ai nghe nói và quả thật thời xưa là cô đơn kiểu khác,vì cô độc cá nhân, nhưng ngày nay lại xảy ra kiểu cô đơn giữa đám đông, khi chen chúc dạo phố,hoặc có khi nhiều tiền nhưng thấy tiền chẳng giải quyết dứt khoát được chuyện gì cả.Thiếu ấn tượng sâu đậm.

Ðến xứ Cù Là,tôi đã rời vùng U Minh.Xứ lạ, nước dưới rạch chảy thao thao,gần biển,lục bình trôi từng giề,riu ríu,vào mùa thu thì đơm bông màu tím dợt,khá xinh đẹp nhưng loại bông nầy quá mềm yếu, cắt đem chưng vào bình chừng mươi phút đã héo ủ rũ, đem luộc ăn thì chẳng thoảng mùi vị gì cả. Ở xa, xem đẹp, thân thương vì nó như quanh quẩn bên cuộc sống của ta. nhưng người lớn tuổi luôn căn dặn trẻ con đừng bơi lội lại gần: giữa rạch, nước sâu,chảy mạnh, làm đuối trẻ con.Những giề lục bình to thường làm ổ cho loại rắn nước,khá độc hại,tùy con.Nói để răn đe nhưng tôi chưa thấy người nào bị rắn cắn từ giề lục bình trôi cả.

Xóm Cù Là vào buổi ấy (1935-1936) được tạm gọi là đô thị hóa nhờ cao ráo, lại gần thị xã Rạch Giá, cách khoảng 12 kilômét với con lộ xe hơi  nhỏ.Vì dễ giao lưu với tỉnh lỵ, thêm mầu mỡ,thích hợp với lúa đặc sản,ngon cơm (đất có chân nước mặn thích hợp với lúa ngon cơm). Hơn nữa, từ thời Gia Long, đã có dân cư trú khá đông. Giới điền chủ người Việt đến trưng khẩn,một hécta giá gấp năm hoặc 10 lần đất úng của vùng U Minh.Vì ở gần thị xã,như một ốc đảo riêng biệt nên giới điền chủ ưa tụ họp để cờ bạc, đá gà qua những sòng lớn, sòng nhỏ,lây lan đến xóm lân cận,hấp dẫn luôn cả người nghèo túng.Chủ chứa đã ăn chịu với quan làng nên vùng Cù Là là thế giới riêng ,nuôi sống giới chủ quán; ăn uống sang trọng,với đăc sản Tàu,Việt.Thêm tiệm hút thuốc phiện,trên gác xép, giới tiên ông đi mây về gió; tầng trệt là nơi hớt tóc có bán thêm các loại thuốc trị bệnh phong tình, bệnh đàn bà, đại khái thời xưa khó trị, mãi sau nầy dùng thuốc trụ sinh đem lại hiệu quả nhanh chóng hơn.Thợ hớt tóc nói chung là khi lớn tuổi (khoảng 50) mới được tin cậy , một tỷ lệ không nhỏ của giới thợ là nghiện thuốc phiện nặng,nhẹ,họ biết đàn kìm (đàn nguyệt).Người thợ phụ hoặc người hàng xóm nào thích đàn ca thì kết thân,hết đàn thì đánh cờ tướng.Bản Vọng cổ đang triển khai, sau khi thành hình từ non 20 năm trước,có thừa tính thuyết phục.Người ca Vọng cổ thường bắt chước hơi hướm, cách xếp chữ theo dĩa hát (bây giờ giá khá cao,còn phổ biến hạn chế). Ði đâu cũng nghe văng vẳng: “Ác ngậm non đoài,, ngọn gió Ðông Nam (nó) thổi đưa mặt nhựt hồi về nơi Tây Bắc.Nhựt dĩ hoàng hôn, tai tôi nghe tiếng con chim oanh (nó) ríu rít dường như rủ bạn về non.Ngửa mặt nhìn,ngơ ngẩn tấm lòng son.” Lời ca lãng mạn bâng quơ,hợp với tâm trạng người nghe,một sự giải đáp không khó khăn cho lắm.Trên sông nước, tiếng hò tiếng hát của giới thương hồ còn văng vẳng ,bấy giờ ghe gắn động cơ gần như không có,họa chăng trên tuyến đường thủy nào đó, nơi các chợ làng, chợ quận giao lưu. Văn minh gọi là thính-thị chưa gây được uy thế...vài phóng viên hoặc đặc phái viên của vài tuần báo ở Sài Gòn đăng tải cũng như phát xít Ðức chuẩn bị thế chiến thứ 2,họa chăng ở xóm Cù Là nầy một đôi thầy giáo lớn tuổi lưu ý suy gẫm.


Vài người khách vãng lai dạy lời bản Tây Thi về sự gan lì của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,bọn thanh niên ghi chép, phổ biến. Lòng yêu nước của người phía Tây Nam bấy giờ vẫn bồng bột.

Ở Tà Niên, làng Vĩnh Hòa Hiệp, sát bên chợ Cù Là,dân làng thờ ông Nguyễn Trung Trực,vị anh hùng kháng Pháp, khởi nghĩa rồi bị giặt bắt,chém đầu năm 1868.Bảo rằng đình ấy thiên lắm,thờ Nguyễn Trung Trực nhưng đình có trước cuộc khởi nghĩa cũng như sắc phong đã ban từ trước cho một vị Thành hoàng Bổn cảnh.Xem Nguyễn Trung Trực như vị thần là do lòng dân,những người thân Pháp chẳng ai dám cãi lại,truy từ chữ nghĩa ghi trong sắc thần! Lòng dân đã phong là chân lý tuyệt đối, đủ tính thuyết phục về tâm linh.

Những chiếc xuồng bé nhỏ vào buổi ấy (nay không còn),hừng đông là xuất hiện gần như đúng giờ đúng khắc,bán món ăn sáng với giá cực kỳ rẻ. Bắp giã, hiểu là bắp khô, xay cho nát sơ sài rồi đem hầm, trắng nõn, ăn với dừa khô nạo, thêm tí muối mè. Hoặc bắp nấu, hiểu là trái bắp tươi xanh, đem luộc chín ngon ngọt, lột vài lớp bẹ ra, tha hộ lựa chọn, nào trái quá già,quá non.Lại còn xôi nước dừa, xôi nghệ. Muốn ăn thì xuống gọi là xuồng ghé lại.Người bán ở chợ nhà quê luôn tươi cười, sạch sẽ, áo trắng, quần đen, đầu đội khăn bàn trắng (kiểu khăn lông lau mặt ngày nay,nhập từ bên Pháp).Thức ăn được phủ với miếng vải trắng mỏng, che bụi,che mưa, đựng trong thau sắt tráng kẽm,nhập từ Singapo. Người bán không tranh dành, ai đi giờ khắc nấy, với tiếng rao dễ phân biệt, gọn gàng không kéo dài như tiếng rao chè ở đường phố Sài Gòn.Thời thịnh của văn minh sông nước.Những cô Khừng,cô Láng, cô Xứng, nghe tên là biết người Việt lai Hoa từ một hai đời.Còn đâu các cô ấy, nay đã hơn trăm tuổi, nhà nghèo mà lạc quan đã giúp gia đình,giúp đời!

Là đất xưa, xóm Cù Là qui tụ một số người dân tộc Khơme khá thuần thục, với đôi ba sào đất tốt,có thể sống được,thêm cá ngoài ruộng,dưới rạch.Khi cực thì ăn cơm trắng, gạo ngon,với trái me xanh, đâm muối tạm gọi là thức ăn. Ông sãi hàng ngày đi khất thực,vui vẻ. Ngày lễ hội, cũng tưng bừng múa hát. Họ thích uống rượu đế,trưa mùa nắng, đôi ba người ra bụi tre sau hè,uống lai rai,thấy giải khát ngay, đôi khi,họ ra quán uống tách cà-phê,thế là đủ.Thỉnh thoảng,bán vài con vịt hoặc con heo,ra tận ngoài thị xã,mua cho được cây đèn “pin”, ban đêm đem rọi lên ngọn tre, dùng cây sào dài mà đập vài con cò đang say ngủ. Gần như họ không dời chỗ ở.

Những ngày sau giải phóng 1975, tôi được cơ hội về xóm cũ, viếng phần mộ cha.Hơn ba mươi năm qua,chưa bao giờ gặp mặt, ấy thế mà khi tôi về với mái tóc hoa râm,họ nhận ra ngay,phần tôi thì chỉ nhớ mang máng. Ðó là những cô gái già nua,xưa tên là Cà Na,Cà Nữ ở xóm. Họ kêu tên tôi và đưa tôi đến phần mộ cha. Mộ trông như hoang vu, cỏ mọc phủ đầy. Họ kể lại vài chi tiết của đám tang đơn giản năm nào.Họ bảo rằng: Phần mộ còn ở đây thì mãi mãi ở đây,họ hứa chăm sóc giùm, đại khái,vì theo người Khơme thì người chết cần được hỏa thiêu đưa vào chùa, còn phần mộ cha tôi thì họ khuyên để cỏ mọc đầy cho nó lần hồi mất dạng!

Buổi ấy hằng năm trường ở tỉnh lỵ đã bày ra cuộc thi tuyển lên lớp trên, sau lớp sơ đẳng, nhờ đậu cao, tôi được trợ cấp học bổng, hằng tháng đâu chừng 4 đồng bạc. Một số tiền khá to. Rời xóm Cù Là, tôi ra chợ Rạch Giá,một thị xã sát bờ biển, khá xưa, đã sung túc từ thời Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu).Tôi ở trọ nhà ông Sáu Thuyền, rạch Vàm Trư. Ðại Nam Nhất Thống Chí đã ghi tên con rạch nầy, hiểu Trư là con heo.Thời trước đất đai hoang vu, lau sậy non là thức ăn lý tưởng của heo rừng,người dân địa phương còn kể lại chuyện xưa rằng heo rừng sống lâu năm có thể chống lại cọp dữ. Rạch nhỏ chảy cong queo ra biển, bờ rạch tràn lan lá dừa nước. Sau nầy đọc sử thấy Mạc Thiên Tứ đã mở mang vùng Rạch Giá, ta nên hiểu đó là qui tụ dân cư ở vài điểm để mua bán,làm trạm trung chuyển hải sản đưa lên Trung Hoa hoặc xuống phía Xiêm, Mã Lai.Tôi ở trọ nhà ông Sáu Thuyền, ăn cơm chung, ông ít nói,thỉnh thoảng thốt vài câu bâng quơ. Nhìn ra khoảng đất trống vắng sau hè nhà, quanh năm chỉ thấy mưa nắng,vài người nhổ mạ,cấy lúa,cày ruộng khi vào mùa mưa. Nói cho tôi nghe, nhưng là ông nói với trời, với đất , cây cỏ;tôi chỉ là thằng bé khép nép, năm ấy mới 11 tuổi, tự thấy mình không đủ tư thế để hỏi han,chất vấn hoặc trả lời. Ấy thế mà lớn lên,khi ông mất,tôi vẫn nhớ vài mảng nhỏ.Nguyễn Trung Trực năm ấy tuổi non 30 đã đưa quân du kích từ U Minh,từ xóm Cù Là mà tôi vừa rời chân lên ngồi quanh đồn Pháp,trong cỏ cây um tùm,nhờ có sóng biển ào ạt nên giặc không hay biết.Hừng đông, nghĩa quân xông vào đồn, đốt phá,giết trọn bọn giặc,ngoại trừ đôi tên đã lén ra ngoài chơi;nghe tiếng hò hét, thấy đồn đã cháy, chúng không dám trở về. Cha ruột ông Sáu Thuyền đã tham gia nghĩa quân,khi về nhà đã kể lại rằng khi vào đồn,lục soát thấy những cục gì mềm ở nhà bếp,  ngỡ là thứ thực phẩm lạ của Pháp,bèn chụp lấy, về nhà ăn thử thấy cay cay, mặn mặn nên ngỡ là món mà Pháp dùng để ăn với cháo trắng cho dễ nuốt.Vài người ăn thử, mang bệnh thổ tả, sau nầy chợt hiểu đó là xà phòng!

Về già, ông sáu cứ lẩm cẩm về chuyện cục xà phòng ấy, không cần ai nghe, không cần ai tin là chuyện có thật. Một hôm, khoảng xế chiều, tôi ngồi học bài, cứ suy nghĩ bâng quơ về mấy điệu kèn lanh lảnh lặp đi lặp lại “tò te tí te”mà lúc trước khi mới đến ở trọ tôi không chú ý cho lắm.Lại phải hỏi khéo léo, ông gật gù,buồn thiu:

-Mai hay chiều, tao nói rõ cho mầy nghe!

Vài hôm sau, khi tiếng kèn của lính mã tà thổi, ông đến ngồi bên tôi, rất thân mật, hút điếu thuốc vấn khá to:

-Linh hồn của binh sĩ ông Nguyễn(Nguyễn Trung Trực)linh thiêng lắm,lúc đánh chiếm lại đồn Rạch Giá, lính của mình chết khá nhiều. Kẻ chết không ai chôn cất vì thời xưa đất gần đồn là rừng rậm,dân cư gần như không có. Oan hồn cứ hiện. Nhà ông Chánh (Chánh chủ tỉnh) nghe kêu rú,khi thì lúc nữa đêm, khi hừng sáng, cây to bỗng trốc lên ngã xuống ầm ầm. Bởi vậy,Tây cho bọn lính tới thổi kèn “tò te” để đuổi ma quỉ,buổi chiều.

ông Sáu Thuyền cho biết gần khu vực thổi kèn,Tây có xây cái khám kiên cố để nhốt những người dân “An Nam”cứng đầu, ương ngạnh.Kế bên khám có cái tháp to và cao lắm,nơi chôn mấy người lính Tây bị mình giết hồi 70 năm trước.Tháp ghi tên họ tụi Tây,còn người An Nam mình chết,coi như là mất thây, không bà con họ hàng gì ở đây, phần lớn từ Tân An, Hà Tiên, Hòn Chông, Phú Quốc tới,theo ông Nguyễn.

“Tò tí te...”Tiếng kèn đồng của nhà binh Pháp cứ ám ảnh tôi , gần như suốt đời. Vài năm sau, lên Trung học, được học Việt văn về bài thơ Vịnh chùa Cây Mai của Tôn Thọ Tường.Pháp đóng đồn ở gò Cây Mai (Chợ Lớn), mãi sau nầy tôi mới đến tận nơi tham quan một cách khó khăn.Gò nầy là nơi tiền trạm mà Pháp trú quân để đánh lên Chí Hòa,năm 1861. Sử chép từ trước đời Gia Long,trên gò đất cao ráo nầy có ngôi chùa Việt Cất trên nền cũ của chùa Khơme,sẵn có vài cội bạch mai,cao và to; giống như loại mai mù u,bông nhỏ, thơm mùi trầm hương(không phải là loại mai chiếu thủy nay quá phổ biến để trồng làm cây cảnh).Từ trên đồi cây mai nhìn xuống,thấy về phía Bắc là vùng Hóc Môn với ruộng và vườn tược.Phía rạch Bến nghé là phố xá với ghe thuyền đi hoặc về đồng bằng sông Cửu Long.Sát chân gò có vùng hoang dại, ẩm thấp đầy sen. Tao nhân mặc khách đến nương bóng cội mai già mà ngâm thơ vịnh phú,thú vui ấy mặc nhiên không còn,khi Pháp xâm chiếm, đóng đồn, lấn qua các tỉnh phía đồng bằng.

Giặc đóng đồn nhỏ ở chân đồi. “Tò le kèn lạ mặt trời chiều”sau câu “Lặng lẽ chuông quen con bóng xế”.Vùng Cây Mai có chiều chùa xưa,nay hãy còn.Hồi học lớp Năm,lớp Tư, được học thuộc lòng bài Vịnh Chùa Cây Mai của Tôn Thọ Tường,lòng tôi thấy ngậm ngùi, với chuyện Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá.Nỗi buồn bao la, không rõ nét cụ thể.Phải chăng đó là lòng yêu quê hương? Ông Sáu Thuyền thỉnh thoảng khẳng định với tôi rằng trong cái kèn đồng của lính Tây đem tới thổi có gắn cục “vàng găm”, loại kim khí nầy có tác dụng đuổi ma quỉ.Nhưng kèn đồng của Tây cứ thổi,nước vẫn mất kẻ thù của Nguyễn Trung Trực phải chờ đến Cách mạng tháng tám 1945 mới bị xua đuổi!Lên bực Trung học, ở chợ Cần Thơ phồn thịnh, được cơ hội đọc nhiều tư liệu về chữ Việt tiệm sách khá nhiều,tôi hiểu Tôn Thọ Tường là dạng sĩ phu sớm theo Pháp, gọi là “ quân bán nước”, “Việt gian”. Ðối  nghịch với ông là Cử Trị đầy đủ tiết tháo, về già dưỡng nhàn ở Phong Ðiền(Cần Thơ); đành vậy,nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi về câu thơ “Tò te kèn lạ mặt trời chiều”ngày càng sâu đậm.

Tôn Thọ Tường đã diễn đạt tâm trạng mình một cách thật thà, vì thật thà mà lương tri bộc lộ rõ nét?Theo giặc Pháp nhưng biết hối tiếc,biết mình là nhu nhược khi hưởng bổng lộc của Pháp,khi làm phủ rồi lên đến chức đốc phủ sứ. Về sau nầy, vài nhà nghiên cứu cho rằng “Tò le kèn lạ mặt trời chiều”là câu thơ hay, nhưng họ Tôn sáng tác trong lúc còn chút lương tri, chưa hư hỏng!

Giải thích thế cũng đúng. Về phê bình văn học, với thời gian,ta thấy khi xảy ra nhiều biến cố dồn dập,về chính trị chẳng lẽ ở mỗi bài phê bình nên ghi ngày tháng?Về lâu về dài,ta thấy nên tránh thái độ quá khích.Tôn Thọ Tường vì thoếu bản lĩnh nên hội nhập quá sớm.Phải chờ vài thế hệ kế tiếp.Như ở Rạch Giá,có ông Trần Chánh Chiếu,theo Tây học rất sớm làm quen với thực dân,xin khẩn đất ruộng, trở thành điền chủ lớn, nhập quốc tịch Pháp, xin theo đạo Thiên Chúa,qua Nhật gặp Hoàng thân Cường Ðể với cao vọng sẽ Duy Tân nước nhà với công nghiệp. Một nhà yêu nước.

Rạch Giá là cảng biển. Hàng ngày, cắp sách đi học, tôi ở bên nầy con rạch nên phải qua cây cầu quay để đến trường,phía bên kia bờ.Mỗi tháng một đôi lần, đến trường trễ giờ vì cầu đang quay, đưa thớt giữa lên cao,dành khoảng trống cho tàu Hải Nam qua.Cảng biển Rạch Giá mở ra vịnh Xiêm La đã có từ thời Mạc Thiên Tứ,sau đó giao cho chính quyền Việt Nam cai quản. Ðây là loại tàu buồn viễn dương từ đảo Hải Nam,với 3 cột to,cánh buồm như rẻ quạt,theo sự ước lượng của tôi,thân tàu chừng 5 căn phố, trên 20 mét,chạy sức gió,thủy thủ khoảng 20 người.Ngoài cửa Rạch Giá,Pháp bố trí suốt đêm một ngọn đèn thường trực, đặt trên cao để khi ở ngoài khơi tàu có thể định hướng.Biển cạn, nhưng có một lòng lạch, hai bên lạch đóng cừ khá cao để tàu noi theo vào bờ mà không mắc cạn.Tàu ghé vào bờ biển, làm thủ tục kê khai, đưa một số hàng hóa lên bờ, đại đa số là thảo dược,nhiều nhất là cam thảo,bánh ngọt Singapo,bánh bích qui khô, dụng cụ nhà bếp như thau, chén bằng sắt tráng men cũng từ Singapo, thêm vải đen thô, vải may mùng, diêm quẹt(từ Thụy Ðiển), dầu cù là (kiểu thuốc cao) hiệu con Cọp lừng danh...

Ngày thường, khi đến trường, học trò ngồi trên lề đường mà chờ giờ vào lớp, ai có tiền thì ăn nữa xu xôi nước dừa hoặc chén mì ngọt, mì nấu với đường.

Ðốc học là người Pháp, về sau là người Việt.Trường gần mé biển,nơi âm u, rác rến,bãi bùn,cây bần mọc um tùm;một ngôi nhà dưỡng lão, nửa đóng nửa mở, mặt tiền day ra biển.Mấy năm ròng rã, hằng ngày tôi thấy một ông lão hiền lành không nói chuyện, miệng cười tươi đi qua đi lại trước cổng trường,quần áo xơ xác, đeo một xâu dài chừng vài chục chiếc guốc phế thải,từ cổ lòng thòng xuống tận gối,học trò gọi ông là già Khá, tên của ông. Ai cười, ông cũng cười theo.

Ở trường tỉnh, đã thấy sự phân hóa rõ rệt giữa học trò giàu và học trò nghèo. Ðứa giàu mặc sạch sẽ,lắm khi mặc kiểu Âu phục, lại đi chiếc xe đạp nhỏ, ít thấy,từ Pháp nhập qua.Thầy giáo cũng đủ hạng:Vài thầy mặc áo dài đen,quần trắng, trông nho nhã;có thầy mặc áo sơ mi tươm tất,cổ tay gài với kiểu nút rời màu vàng, đồng hồ quả quít bỏ túi quần. Lại còn vài thầy mặc bèo nhèo, hút thuốc, chiếc xe đạp rỉ sét. Bất cứ thầy nào đi ngang qua đều được học trò chào kính cẩn.

Phần đông các thầy từ Long Xuyên, từ Sa Ðéc đến. Một thầy ngày thứ năm đến dạy chữ Nho (chũ Hán) cho một khóa riêng, không bắt buộc.Tội nghiệp thầy nầy, nghèo quá mức, hằng ngày đôi khi học trò thấy thầy làm phu xe kéo, đội nón lá. Thầy từ Bình Ðịnh đến, ăn nói giọng hơi khó nghe đối với trẻ con. Học sách Hán Văn Giáo Khoa Thư do ông Lê Thước và vài bạn biên soạn, từ Hà Nội gởi vào.

Tôi đi học, nay còn nhớ câu ở bài đầu: “Gia môn tiền cao đáo ngả hà”. Học trò vài đứa nhại lại,lúc ra sân:Môn là cái “cựa”,cái “cựa” đi ra đi vào.Cửa, nhưng thầy phát âm là cựa.Có đứa ác miệng hơn, nói một câu rất chối tai, chẳng biết từ kẻ nào đặt ra: “Nào có ra gì cái chữ Nho,Cu li xe kéo dạy học trò”.Vào lớp thầy đi guốc, mặc chiếc áo dài đen rách,vá đôi ba chỗ.

Chợ Rạch Giá như là ốc đảo thành hình trên giồng đất cao ráo sát biển,cũng là một góc của khu vực lớn nay gọi là khu Tứ Giác.Chung quanh ốc đảo là đất thấp, đầy lau sậy, điển hình là rạch Láng Tượng,xưa kia voi rừng đi từng bầy tìm nước uống, cứ giữ lộ trình cũ, lâu ngày đất lún xuống, tạo ra con rạch cạn rồi sâu thêm lần hồi.Voi ăn cỏ và uống nước rất nhiều,lại còn phải tắm dây dưa.Nhưng nhờ vị trí cảng biển mà thị xã Rạch Giá khởi sắc,từ hơn hai trăm năm qua.Bị đày ải đến nơi xa xôi,công chức Pháp vẫn sống cuộc đời sang trọng,trái cây được tiếp tế từ Sà Gòn,thậm chí từ Pháp.Vài người thử trồng dây nho; xem xinh đẹp, nhưng trái quá chua.Có câu lạc bộ đọc sách báo dành riêng cho người Âu,thêm sân quần vợt. Vài người da màu từng học hành đỗ đạt ở thuộc địa Pháp bên châu Phi được đưa sang, làm lục sự, biện lý tại Tòa án tỉnh, học vị được tin cậy, lại có quốc tịch Pháp. Rạch Giá bấy giờ được phổ biến loại hoa nay gọi bông giấy (móc diều).Khi tôi còn nhỏ nghe gọi đó là bông biện lý buổi đầu,các vị biện lý, thẩm phán da màu về thăm quê, mang trở lại thứ hoa khá xinh đẹp ấy,cùng một khí hậu nhiệt đới,màu tím sậm,(nay lại tạo ra nhiều màu),trong một chùm).

Chân trời quê hương tôi thời thơ ấu quả là hạn hẹp.Trong sách địa dư (địa lý)dạy Việt Nam ta dài,với hình cong chữ S, còn xứ Rạch Giá-U Minh nầy là nơi tận cùng của thuộc địa Nam Kỳ, khác với phía Bắc,ngoài Trung là xứ bảo hộ.Nam Kỳ có dòng Cửu Long với sông Tiền và nhánh là sông Hậu khá to rộng, với mùa lụt mà vùng Rạch Giá-U Minh chịu ảnh hưởng không đáng kể .

Nhưng thực dân ở đây áp bức dân ta chỉ với non mươi tên Pháp với tiếng kèn “Tò le kèn lạ mặt trời chiều” của lính mã tà.Hằng tháng,tôi lên Tòa Bố (dinh chủ tỉnh Pháp, được so sánh với dinh quan bố chánh thời xưa)chỉ thấy sự canh phòng lơ là, quan Tây ở trong phòng riêng,trên lầu.Cơ quan nầy xây từ xưa, vách bằng đá xanh, đề phòng những cuộc khởi nghĩa kiểu Nguyễn Trung Trực mà mấy chục năm qua chưa thấy tái diễn! Chỗ tôi lãnh tiền trợ cấp học bổng có tấm bảng khá to,bằng đá cẩm thạch ghi danh sách những viên chủ tỉnh Pháp kế vị từ khi chiếm tỉnh Rạch Giá.

Chỉ thấy những vị sau năm 1868, điều ấy chứng tỏ khi Nguyễn Trung Trực đánh chiếm đồn Rạch Giá có lẽ Pháp không rõ tên của trưởng đồn, lúc ấy còn kiểu quân quản.

Trong túi gần như không tiền, ốm yếu về thân xác lại nhút nhát, tôi là đứa bé ở ngoại ô nên chỉ biết dạo chơi ngoài hè phố. Bên kia rạch là khu vực thương mãi đối diện với khu vực phía tôi cư ngụ là khu hành chánh và quân sự. Lần hồi dạn dĩ hơn là vì học sinh giỏi, tôi dạo khu vực của nhà giàu. Nhiều nhà to cất kiểu Pháp, sân rộng trồng cây cảnh, giăng đèn điện để giới điền chủ ăn nhậu rồi bày cuộc khiêu vũ, máy hát vang lên.Trẻ con leo rào, bị đuổi xuống, nhưng rồi lại bám vào rào để xem lén:cô gái mặc đầm đang đánh đàn kiểu lạ (dương cầm) bên cạnh là chàng trai kéo đàn cò Tây(vĩ cầm). Cạnh biệt thự ấy còn vài ngôi nhà xưa, tủ thờ cẩn xà cừ, có chó lớn xác canh giữ,hòn non bộ to ngự trị giữa sân, thêm những chậu cây cảnh.

Sau nầy tôi mới hiểu giới điền chủ ở Rạch Giá cũng như ở Bạc Liêu-Cà Mau chẳng bao gìờ đến thăm ruộng đất tận “vùng sâu vùng xa”.Họ cho bà con quản lý với số địa tô khoáng, gọi là cho “bao quá”(tôi hiểu quá,là thông qua nơi trung chuyển). Bởi vậy,họ không đối phó trực tiếp với đám tá điền ở chốn muỗi mòng đỉa vắt. Ở tỉnh hoặc ở Sài Gòn, sang trọng hơn, rảnh rang hơn. Qua khỏi khu vực nói trên là đến cây cầu sắt nhỏ, qua cầu, gặp “Xóm nhà mày xay lúa”, người làm chủ nổi danh nhất gốc là thợ giỏi,bấy giờ chỉ huy đến 7 nhà máy, khá nổi danh vì thông thường chỉ có người Hoa mới đủ vốn làm ăn lớn. Ông đi tới đi lui chăm sóc trực tiếp, tôi không biết mặt ông. Gần xóm “Nhà máy cháy” đánh dấu giai đoạn đầu thế kỷ, khi máy xay còn chạy với nồi sốt de chụm lò bằng trấu.Dọc theo bờ rạch, nhiều ghe tải hạng to đậu sẵn.Phu khuân vác lên bờ rồi trở xuống chạy thoăn thoắt trên tấm ván nhỏ bé, vác hàng trăm kílô trên vai mà không bao giờ té, ở trần,mồ hôi lênh láng, đi chân đất.Hàng dãy chành lúa (nhà kho), mỗi chành dài hơn 30 mét.

Dưới mé rạch,nhiều nông dân chở lúa tới bán, trên chiếc xuồng nhỏ, thuận giá thì đưa lên bờ, từng đống nhỏ cỡ 20 giạ (400 kílô),trông bé bỏng.Tôi chợt nhận rằng hàng ngàn tá điền làm lụng cực khổ, nếu không mất mùa thì mới đủ khả năng đưa lúa vào dự trử chỉ trong chành! Và đây chẳng phải là dân của vùng U Minh, sinh quán của tôi!

Tỉnh Rạch Giá to rộng, ngoài rừng U Minh còn nhiều vùng đất bao la ở phía Ðông, ăn qua sông Hậu, đất tốt,cao ráo tương đối,nhờ đào kinh thủy lợi ngang dọc nên trở thành vựa lúa phì nhiêu,nuôi giới điền chủ Pháp và Việt, ở tỉnh nhà và các tỉnh khác,con cái họ du học bên Pháp là phải.Chưa kể đến những điền chủ các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Bạc Liêu. Ðiền chủ hạng sang từ chợ quận ra tỉnh cứ dạo tới lui ngắm nghía mấy kiểu nón nỉ chưng bày trong cửa hiệu, nào nón hiệu Fléchet, Borsalino bằng nỉ, vành nón bẻ xuống hạ thấp một bên. Có tàu kéo dắt ghe lúa đi Sài Gòn, nhỏ thó nhưng kéo nhanh những ghe tải chở gạo, khẩm lừ ,ghe loại to,phía sau lái làm nơi cư trú với tủ thờ ông bà, thờ Thủy Long,trên mui còn nuôi chó,gà chọi , lại còn chậu cây cảnh, hoặc trồng hành ớt...Con rạch trở nên nhỏ bé,bên bờ nào người bán chè,cháo...chen chúc với ghe xuồng nhỏ của người từ miền quê lên, chèo chống khó khăn, giữa bầy ngổng kêu oang oác.Bên kia bờ là trại cưa xẻ ván,cột gỗ, trại bán quan tài. Nhìn về phía sông Hậu, thấy đất bao la,Sài Gòn ở phía Ðông Bắc,xa hơn 200 kilômét, mỗi ngày có 4 chuyến xe khách khá to đi và về,mỗi chiếc chở hơn 40 người,thêm người ngồi trên mui và vô số hàng hóa,vun lê

Tiếng tù và trổi từng chập như tiếng thời gian từ kiếp nào vọng về tương lai.Những chiếc ghe khá to, không mui,chở đầy nước ngọt từ phía sông Hậu chảy về. Nước ngọt dược chuyển đến vùng quê,rừng rậm phía Nam của tỉnh để “đổi” cho dân làm nước uống,nấu cơm,nơi nước phèn mặn, đào giếng chỉ gặp toàn nước lợ.Họ làm nghề “đổi nước”,dùng tiếng đổi để tránh cái tiếng “bán  nước”. Nước đổi từng thùng 20 lít,(loại thùng đựng dầu lửa) với giá khá cao vì đường xa, chèo chống nặng nhọc,chậm chạp. Người dân mãi nhớ ơn Thoại Ngọc Hầu,công thần nhà Nguyễn để khởi xướng việc dùng sức của dân phu mà đào kinh. Nước ngọt tới đâu, dân khẩn hoang tới đó.Con người có thể nhịn ăn một ngày một buổi nhưng không thể nào nhịn khát. Nước ngọt rất cần để nấu cơm, canh. Sau nầy người Pháp vẫn theo định hướng ấy mà đào kinh Cái Sắn đưa nước ngọt đến ngọn sông Cái Lớn. Ðã xây cất ngôi chùa Tam Bảo, tương truyền do một bà lão từ thiện, khá giả nhờ mua bán lúa gạo ở địa phương, đã cống hiến cho chúa Nguyễn – lúc bại vong vì Tây Sơn truy nã - những cuộn tơ tàm quí giá để làm quai chèo thắt bằng gai, bằng bố (đay).Nhắc lại kẻo quên,qua nhiều đời hòa thượng trụ trì là Nguyễn Văn Ðồng chứa chấp, đã chế tạo kiểu tạc đạn thủ công nhằm chuẩn bị khởi nghĩa võ trang,trong phong trào Nam Kỳ 1940.Cơ mưu bị tiết lộ từ phía Sa Ðéc, bọn mật thám bao vây chùa vào quá nữa đêm. Một cán bộ gốc là tu sĩ Thiện Ân bị địch bắt treo lên xà của nhà chùa để tra tấn, trong khi phía dưới chân là cái bàn,nơi giặc gom lại kiểm kê số tạc đạn đã chế biến.Thầy Thích Thiện Ân hai cườm tay bị trói phía sau lưng treo lên đã can đảm thò chân xuống mà đạp một góc bàn, bàn ngã xuống,tạc đạn rơi vãi, nổ ầm lên gây thương tích cho tụi mật thám.Thầy bị xử tử, hòa thượng Nguyễn Văn Ðồng bình tỉnh nhận tội, bị đày ra Côn Ðảo,chết ngoài ấy vì bịnh.

Chùa ở ngoài ven khu vực nhà máy và chành lúa lớn như là sự cổ vũ cho phong trào cách mạng tận nơi xa xôi,l úc mà đa số dân lao động chỉ nghe chớ chưa biết sơ qua chủ nghĩa cộng sản là gì.

Cách xa chùa Tam Bảo một đỗi,còn ngôi chùa xưa của người dân tộc Khơme rộng lớnvà khang trang,người Khơme ở chung quanh, khu vực ấy gọi là Láng Cát, vùng cát dỏ mầu mỡ, thấp, gầnvùng ruộng phì nhiêu.Lại còn mảng đất cao ráo với mạch giếng nước ngọt mà người Hoa trồng rau cải, ngoài ven thì trồng khoai lang. Họ kiên nhẫn và chịu cực hơn người Việt. Làm việc không nghĩ trưa, ở trần dưới cơn nắng lửa, húp tô cháo nóng hoặc ăn khoai lang luộc cho gọn và không mất thời gian làm việc, họ gánh hai cần xé đựng đầy khoai,với cây đòn thẳng, bằng cây danh mộc,tương đối to, như ngọn roi của võ sĩ, không làm bằng tre với hai đầu cong cong.

Vì cha mẹ và ông nội ở tận miền quê từ xưa nên tôi chẳng có người bà con nào gần xa ở chợ.Tôi đưọc tha hồ rong chơi.  Tại tỉnh lỵ, mấy năm ấy thường tổ chức Hội chợ triễn lãm với nhiều tiết mục giải trí. Ðiền chủ Rạch Giá thường đóng vai bảo trợ (gọi là Mạnh Thường Quân) cho nhiều võ sĩ tiếng tăm, thí dụ như Lê Hữu Vĩnh người quê U Minh.Người vùng lân cận đến tranh tài. Năm ấy,tại Hội chợ bày ra cuộc đánh võ khiêu khích.Võ sĩ quyền Anh,người da màu là Kid Chocolat đánh với võ sĩ ta là Sáu Cường của Trà Vinh.Kid Chocolat tìm cách nhập nội cho gần để đánh những đòn móc quai hàm rất lợi hại, nhưng Sáu Cường đã dùng ngón đá ngàn cân, phòng thủ từ xa.Kid Chocolat té lăn cù nhưng ngồi dậy nhanh chóng,xốc tới.Rốt cuộc,Sáu Cường thắng điểm rồi đi một đường quyền khá đẹp, Sáu Cường cao ráo,tay chân khá dài,thỉnh thoảng nhảy cao như con chim đại bàng!Tôi lấy làm hãnh diện cho dân tộc, cũng như bao nhiêu khán giả. Mặt bằng của Hội chợ là vùng đất quá thấp,trên bãi biển còn nhiều gốc bần hoang vu,nơi Nguyễn Trung Trực cho mai phục nghĩa quân hồi mấy mươi năm trước.Bần thuở ấy đã già nua,ngã xuống vì phù sa quá mềm,thêm sóng gió triền miên. Ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực vẫn còn đó, trừ ngày Kỳ yên, còn bình thường thì mở cửa he hé, đến chạng vạng, ông từ đốt nhang le lói. Ðất Rạch Giá khá xưa, ngay cử biển sẵn có ngôi miếu thờ cá ông (cá voi) và sắc thần, sau khi họ Nguyễn mất,dân làng và nhân sĩ tự động tôn vinh Nguyễn Trung Trực làm người đại diện cho “ông bà đất nước”.

Nghe người lớn bảo như vậy, ban đêm tôi chẳng dám đi ngang qua đình một mình vì sợ ma nhác. Vào xem Hội chợ,may mắn gặp gian hàng chưng bày bán “sữa đặc có đường”hiệu con Chim(Nestlé). Một người Pháp đứng gần hàng trăm hộp sữa nhìn tôi rồi gật đầu chào.Nhờ đã học đôi tiếng Pháp,tôi ngỏ lời đáp lễ. Ông trao cho tôi một xấp giấy quảng cáo, khổ nhỏ,bảo đem phân phát cho người đi  Hội chợ,và đưa lập tức cho tôi một hộp sữa nhỏ bé,như bù lại công lao. Mừng quýnh bèn phân phát, làm xong công việc một cách tắc trách,tôi trở lại,xòe hai tay trắng. Ông ta thích chí, tặng tôi một hộp sữa thứ nhì...Tôi về nhà, cất kỹ lưỡng,chờ gởi về U Minh cho mẹ, gọi là báo đáp công ơn dưỡng dục. Ðây là lần đầu tiên mà tôi thấy mình quá ư là có ích lợi cho gia đình.
Cứ chiều chiều, dọc theo bờ Rạch Giá,tôi lưu ý đến số người ngồi trên bờ có kè đá, đờn ca Vọng cổ trông tao nhã lắm, đôi ba người đàn,thêm vài cô ca hát. Ðây là kiểu măng cầm (mandoline) mà hồi mấy năm trước đó, thầy giáo Tiên (con điền chủ) thử nghiệm đổi dây, gọi dây Tố Lan để đàn Vọng Cổ thay vì đàn Tân nhạc.Sau đó mới có người dùng đàn ghi-ta. Trên đường đến lớp học, hằng ngày đi ngang tiệm bán baza (hàng tiêu dùng cao cấp) cũng là nơi bán sĩ các loại máy hát nổi danh Columbia, Pathé, nghe mấy đĩa hát Vọng Cổ đã kéo dài từ nhịp tư, lên 16, khá lãng mạn.

Lúc rãnh rang tôi di chơi về phía Bắc thị xã, lên hướng Hà Tiên có con kênh do xáng đào, khoảng 80 kilômét bắt đầu con kinh nầy là kinh Núi Sập khá xưa,lừng danh,do Thoại Ngọc Hầu mở ra.Nước ngọt chảy từ rạch Long Xuyên đến rạch Sóc Suông (sử ghi Khe Sông,Suông).Nơi đây ruộng tốt, nước ngọt quanh năm với ngôi chùa Thập Phương.Theo bờ kinh,nhà cửa rải rác, sau nhà là vùng nay gọi là Tứ giác,hoang vắng và thấp. Vài vùng trũng nổi danh tên là Lung cá bông, Dầy heo (heo rừng).

Bầu không khí hoang vắng, với chim cò bay rải rác trên đồng cỏ ngút ngàn, thấy vui mắt, không như vùng rừng U Minh phía Nam. Ở đâu cũng là đất, cũng là trời,nhưng chân trời phía sông Cửu Long quả là mở rộng, đầy ánh nắng. Phía U Minh Cà Mau rừng rậm cũng là chân trời,giáp mí giữa ngọn cây tràm và trời cao,nhưng phía Sài Gòn,Long Xuyên, sông Cửu Long mà tôi học sơ sài trên bản đồ nhà trường,vùng đồng cỏ quá thấp,thấy rõ chân trời là một đường thấp với bầu trời cao.Phía đồng cỏ nầy, khi mới đào những con kênh nhỏ, người đi khẩn hoang nghe đâu đã bố trí vài trận xung đột, trang bị với phảng phác cỏ, giáo mác chống bọn tay sai của giới điền chủ đang ăn chơi ở Sài Gòn. Chợ Rạch Giá quả là một ốc đảo tương đối phồn thịnh nhờ lúa gạo tập trung và cá biển.Pháp mở con lộ xe đi Sài Gòn trễ nải nhất so vơi các tỉnh lỵ ở Nam Bộ, đâu vào khoảng trước năm1930. Vài đứa học trò từ vùng hoang nầy đến ở trọ nhà bà con tại chợ,cùng học một lớp với tôi.Thỉnh thoảng chúng nó rủ tôi đến thăm nhà cha mẹ, ăn cá nướng vào mùa lụt.Trời biển mênh mông,lác đác vài ngọn lau sậy nhô lên mặt nước,còn loại cỏ bình thường thì vươn lên rồi sập ngã theo ngọn sóng để tìm khí trời. Mùa ấy,chuột thỉnh thoảng xuất hiện từng bầy, lội loi choi, con nầy cắn đuôi con kia, tiến tới chậm chạp vì chân chuột quá nhỏ, không đủ sức quạt nước. Ðoàn kết tạo ra sức mạnh.Từ trời cao,vài con ó biển bay lượn, đáp xuống ,dùng móng sắt quắp vài con chuột và bay lên cao.Thế là sợi dây của đàn chuột bị cắt đứt tạm thời,nhưng lát sau chúng nối lại tiếp tục hành trình, chẳng ai biết chúng xuất phát từ đâu và sẽ đến đâu.Chuột ăn cỏ non và phải ngủ trên đất cao ráo.Vài rặng cây ở xa xa, đáng dấu bờ con rạch nhỏ nào đó,dường như có người ở, đơn chiếc giữa nhưng ngọn sóng to dồi dập.Bà con chỉ cho tôi:

 -Cháu thấy ở đàng xa cái gì đen đen đó không?

Quả thật ở phía chân trời, phía Ðông, dường như có chiếc thuyền nào đó, một vệt nhỏ và dài.
 -Ðó là người chết, không đất mà chôn, vùng nầy nước sâu không đều, có nơi đến 4 thước.Chết thì nhờ mấy nhà ở gần bó thây lại với chiếc chiếu rách,cái nóp bàng. Rồi xóc cây dưới nước, xóc tréo,treo cái xác lên cao. Mấy ngày đầu còn thắp một ngọn đèn dầu lửa bên cạnh, để cho kẻ nào đến gần thì tránh xa và để nhớ vong hồn người chết.Lâu ngày, hết tiền mua dầu lửa.Quạ diều bu lại, đậu trên thây mà rỉa, mà xỉa xói. Rồi thì thây ma chảy nước, cá trê bu lại từng bầy mà uống;

Tới mùa nắng sẽ tính chuyện đem chôn đâu đó.Buồn lắm! Năm ngoái, vài con sấu cá, nhỏ con, tới lui gần nhà nầy.Mình đuổi,nó chạy trốn nơi khác. Xứ của “rắn độc, thuồn luồng” mà.

Về đêm, lắm khi nhìn thấy khói lửa bốc lên từng cụm phía kinh Rạch Giá – Hà Tiên.Tàu kéo dòng rheo phía sau hàng chục ghe tải thứ to, chở đầy củi tràm đốn ở mé biển, đưa về chợ Cần Thơ,bờ sông Hậu, để phân phát cho các tàu thủy,chụm nồi hơi nước chạy khắp miền Hậu Giang và những chiếc tàu lớn nghe đâu chạy tới Cao Miên, tận Biển Hồ.Trên ấy nhiều người Việt làm “bạn biển”, tức là làm công cho bọn thầu huê lợi cá tôm,tiền thì khá,nhưng rủi đau ốm, chết chóc thì cũng treo xác, lắm khi chẳng ai trở lại chôn xuống đất.

-Chim bay về núi tối rồi, Sao không lo liệu, còn ngồi chi đây?

Về sau, có câu hát:

 -Chị em lo liệu lấy nồi nấu cơm.

Có lẽ xuất phát từ miền Trung, là câu ca dao một thời khá phổ biến ở vùng Tứ giác nầy, khá hiện thực vì ở chân trời, phía biên giới có dãy đồi lấy tên Thất Sơn,thêm hai tiếng “huyền bí”.Rồi dãy đồi lại dính dấp đến ven biển vịnh Xiêm La với đảo Phú Quốc và nhiều đảo nhỏ, ngoạn mục nhất là hai viên đá nghiêng nghiêng được đặt tên Hòn Phụ Tử,cha con xa nhau, đến đây lại trùng phùng vĩnh viễn.Nơi chân trời góc biển với đồng cỏ hoang vu mãi đến nay khai thác chưa xong (phèn mặn, úng quá sâu) các nghĩa quân thời “đảng cựu” hồi thế kỷ 19 gom về, suy nghĩ bao la nhưng bế tắc.Họ chỉ thấy chốn “địa linh nhân kiệt” nầy là tương lai của Việt Nam (có lẽ họ chưa bao giờ được đến tận Sài Gòn)càng nhìn lên cao,càng thoát tục,họ tin rằng cuộc đời Nghiêu Thuấn sẽ trở lại,sau ngày Tận thế gần kề, hội Long Hoa sẽ mở ra,chốn nầy sẽ là thủ đô của ...toàn thể địa cầu vì ngọn sông Cửu Long ở Tây Tạng là nơi cao nhất của toàn cầu,chư tiên chư phật và các đạo sĩ từ lâu đã quyết định rồi! “Lo liệu”, còn ngồi chi đây?Ngụ ý nên dựa vào thần quyền. Ðất sẽ lở, núi lửa sẽ dậy lên.

Ai lo tu hành thì được cứu rỗi.Cuộc đổi đời sắp xảy ra trong vài con giáp (một con giáp là 12 năm)hoặc trong giây lát nữa biết đâu chừng, vì Tiên Phật dùng thứ lịch riêng, không như lịch củ người đời.Hai tiếng “đổi đời”là kiểu “tâm lý chiến” được lan rộng, đánh vào tâm linh, tiềm thức của nông dân vùng biên giới ít ai biết nầy,gợi ý nghĩa thay đổi cuộc dời, đời là sự thống trị của thực dân với chế độ hà khắc. Thực dân đã thay đổi “cuộc đất” tức là phá hại phonh thủy,chúng mở lộ xe bắc cầu, đào kinh.Tàu thủy buổi đầu được xem như những con thú dữ thời cổ sơ hiện về. Ông lão chủ nhà cứ hút thuốc liên tục, cánh tay để trần thấy xăm con số 1912 (phải chăng ông bị cầm tù vào năm đó?).Biết tôi là học trò bèn kể dông dài chuyện liệt sĩ Nguyễn Trung Trực đột kích tỉnh lỵ Rạch Giá năm 1868. Bấy giờ 2 tên lính Pháp chạy thoát ra ngoài vòng rào rồi len lỏi đến tận nơi đây. Xóm thưa thớt, đôi ba căn nhà xa nhau, người làm nghề bắt cá, đánh lưới, gặp căn nhà nọ tương đối rộng rãi, chuyên bán tạp hóa,chủ là người Hoa lai Khơme, ông chủ nầy lúng túng khi thấy vào hừng sáng có hai tên Pháp chạy đến, đành chấp nhận cho tá túc ở nhà bếp. Hai hôm sau Pháp tái chiếm tỉnh lỵNguyễn Trung Trực chạy ra đảo Phú Quốc. Ông chủ tiệm tạp hóa đến gặp quân Pháp, đưa hai tên lính Pháp trở về,hai người Pháp duy nhất còn sống sót.Thế là khen thưởng,chủ tiệm tạp hóa được phong chức cai tổng,tha hồ khoát nạt dân, xin trưng khẩn những phần đất tốt trong tỉnh, mãi đến cháu nội cũng còn làm giàu, có đứa du học bên Pháp, mang bệnh chết bên ấy.Và mấy đứa cháu ở thế hệ sau tích cực ủng hộ cuộc tái chiếm tỉnh Rạch Giá sau Cách Mạng Tháng Tám, lập công lớn với thực dân.

“Tò le kèn lạ mặt trời chiều”.Tiếng kèn tự nó vô tội nhưng đối với người năm sáu mươi tuổi vào buổi ấy,tự trong tiềm thức vẫn man mác nổi nhục mất nước thời xưa,do cha mẹ,chòm xóm nhắc lại.Lần hồi thấy thực dân Tây Phương quá mạnh,quá giàu, sự bi thảm của những thế hệ trước chỉ còn lâng lâng.Phải hội nhập dầu sớm hay muộn vào bộ máy kinh tế,thương mại của thực dân để tạo ra một cuộc sống bình thường,nhưng ray rứt khi thấy ông Cử Trị còn đó,nghĩ già ở Phong Ðiền (Cần Thơ),hiền lành, than thở: “lênh đênh bèo nước biết về đâu?”. Ðây là giai đoạn mà bài thơ Từ Thứ Qui Tào của Tôn Thọ Tường lại được phổ biến! “Hiếu đâu dám sánh kẻ cày voi.Muối sát lòng ai nấy mặn mòi... “Chẳng đạng khôn Lưu đành dại Ngụy”.Các vị điền chủ và công chức Tây học thi nhau họa vận,lấy vần oi,thoi, rồi, còi voi, rung đùi hãnh diện. “Tân nầy xin gác ngoại vòng thoi”.(Tôn Thọ Tường).Làm công chức, điền chủ thì ung dung, đúng cơ hội, không theo Tây phương quá sớm như Tôn Thọ Tường,và vẫn kính nể cụ Ðồ Chiểu xa xưa qua Lục Vân Tiên.

Lần hồi, kinh tế phát triển, họ thấy chân trời rộng hơn. Phải Duy Tân, phải Ðông Du rồi học bài học chua cay.

Bản Dạ cổ hoài lang xuất hiện và phát triển hàng đôi chục năm mới tạm định hình.Thoạt tiên, người chưa hội nhập với khung cảnh đặc thù của đồng bằng Nam Bộ thấy như lạ tai, ngoại lai,nhưng lần hồi nhiều người nhìn nhận nó. Có lẽ hơi hướm đầu tiên của nó là bản Hành Vân ngắn gọn,từ Huế đưa vào một khu vực có cổ nhạc thịnh hành ở Long An. Rồi nhạc sĩ Cao Văn Lầu gặp hoàn cảnh buồn bực của gia đình,vì nghèo túng phải tha phương xuống tận mũi Cà Mau,với tay nghề,với tâm hồn mở rộng, ông hội nhập dễ dàng với người Hoa (triều Châu) đang chiếm tỷ lệ đáng kể tại Bạc Liêu.Nhờ học thêm nhạc lễ với ông Nhạc Khị (Khởi), ông hoà đàn cùng bạn bè,hành nghề nhạc lễ để mưu sinh.Nhớ đến người vợ mà cha mẹ không hài lòng vì không sinh con nối dõi, ông đau khổ vô cùng thử soạn ra bản Dạ cổ hoài lang để giải sầu. Ðó là lời suy luận có cơ sở nhất.

Hồi trước 1975, tôi nhiều lần gặp ông cùng trò chuyện vui vẻ.Bấy giờ ông đã già,l ên Sài Gòn theo lời yêu cầu của một số nghệ sĩ cải lương. Anh em bày một buổi ra mắt giới thiệu ông là người đầu tiên sáng tác bản Dạ cổ hoài lang.Lên khán đài,anh em hoan hô nhiệt liệt, ông mặc quần áo bà ba bằng lãnh đen, đờn bản Vọng cổ với cây đàn cò.Về nhà trọ, ở Thủ Thiêm (bấy giờ thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà cất sẵn căn chòi cùng tá túc trong thời gian không dài).Tôi tò mò hỏi cho rõ, ông bảo là người đời muốn sửa như thế nào tùy ý,riêng ông thấy ngạc nhiên, không dè mình đã dựng được “một cái sườn nhà đon sơ nhưng vững chắc”. Ông bảo đó là ít nhiều ảnh hưởng của nhạc Triều Châu.Buổi xưa ấy, người nông dân nghèo gốc Triều Châu đến vùng Bạc Liêu khá đông.

Cứ mỗi chiều,họ tụ tập từng nhóm hòa nhạc,thỉnh thoảng có hát. Buổi đầu, bản Vọng cổ chưa được phổ biến,vì câu ngắm gọn quá. Ðến khi có Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa) hát với câu dài, phóng khoáng hơn,làn hơi muồi... đổ hột,thí dụ như ơ ơ ơ thì thiên hạ hoan nghinh rồi phong cách ấy được tán thưởng tận Sài Gòn, nghe du dương, man mác hơn.

Lư Hoà Nghĩa là người gốc Hoa, nghệ danh là Năm Nghĩa. Hỏi về cái tên Dạ cổ đổi ra Vọng cổ, ông Sáu Lầu cứ cười, có người bạn đáng tin cậy cho rằng đổi Dạ cổ ra Vọng cổ, gọi Vọng cổ Bạc Liêu –là Mộng Trần Lê Chân Tâm, từng làm thơ,làm báo (báo nhỏ,Sống Chung) quê ở Long Mỹ (Rạch Giá,Kiên Giang)thì ông Sáu Lầu bảo rằng “có lẽ như vậy “.Từ khi bản nhạc nói trên phổ biến, ông Cao Văn Lầu ít giao thiệp ngoài tỉnh Bạc Liêu.

Ðời Ðường thi hào Bạch Cư Dị, lúc bị đày đến quận Cửu Giang, sông Bồn, đã sống buồn bã giữa dân quê mùa,nơi chẳng nghe những bản nhạc sang trọng ở kinh kỳ. Ðây là chốn “lau lách đìu hiu”, lau vàng,tre trúc khô cằn,sớm tối chỉ nghe cuốc kêu sầu,vượn hót nỉ non,nhạc dân gian có lẽ của người dân tộc thiểu số ở địa phương chỉ là “ca rừng địch nội,giọng líu lo nhiều nổi khó nghe”.

Ở khu Tứ giác Long Xuyên -Rạch Giá mà tôi đã tham gia tuy có người dân tộc Khơme nhưng người Việt tha phương cầu thực vẫn cảm thông nhau qua tiếng đàn cò, đàn độc huyền, điệu lý, điệu hò nhất là nhưng câu hát đối đáp của ghe thương buôn qua lại,thời buổi giao lưu thị trường .Pháp đến,tổ chức hệ thống kinh tế hàng hoá, kinh rạch nối liền từ Cà Mau lên Chợ Lớn,Sài Gòn.Ca nhạc Huế du nhập buổi đầu dường như chỉ có sự sâu lắng nhưng thiếu chiều dài, man mác đến chân trời,nhất là sự nhẹ nhàng. Bản Tứ Ðại Oán được lưu ý trong những buổi gặp gỡ để trình diễn nhạc tài tử phía ven bờ sông Cửu Long trù phú, có tàu thủy giao lưu trực tiếp với Sài Gòn. Phía Hậu Giang, Cà Mau tuy thông vận tải khá xa, phiền phức nước ngược nước xuôi nhưng nhiều người chấp nhận,hợp tình hợp cảnh. Ðược đi đến tỉnh lỵ Bạc Liêu hoặc Rạch Giá là điều ao ước lớn, may ra một đôi năm được đôi lần. Ðối với người dân lam lũ xứ U Minh, kẻ có oai quyền lớn nhất chỉ là vài vị hương chức hội tề, điền chủ, nhân viên kiểm lâm. Phải chèo ghe, che tạm cái mui giả kết sườn tre hình vòng cung, trên sườn chải chiếc chiếu rách,phía sau lái trữ củi,gạo,thức ăn,trước mũi là bếp un khói để xua bầy muỗi rừng ào tới từ hoàng hôn cho đến sáng! Xuồng chèo tắt ngang sông Cái Lớn, lúc qua vàm, chợt giựt mình vì mặt biển Vịnh Xiêm La ngoài kia quá bao la,cao hơn mặt đất,hơn mặt bờ sông  trong nầy.  Sóng đánh bò vòi, xuồng ghe bé bỏng, đành chờ đợi nhau để vượt qua một lượt, xuất phát thì mạnh ai nấy cố gắng, chẳng ai chờ đợi để tiếp cứu nhau. Vài phen ngọn sóng tạt vào xuồng ghe nhưng không sao, chỉ sợ khi nao gần tới bờ bên kia lại gặp những lượn sóng cồn,cao nghệu, xuồng ghe gần nhau mà không thấy nhau. Vào bờ bên kia, gặp con rạch ngắn nhưng đầy sóng gió, gọi Tắc Cậu, bên bờ là miễu thờ Cậu (con bà chúa Xứ )nghe đồn rằng trước cửa miễu là nơi thỉnh thoảng hai con ngỗng thần nổi lên,báo hiệu sóng lưỡi búa sáp nhận chìm ghe xuồng qua lại. Phía sau miễu,mấy năm trước dân làm rẫy đã săn được con cọp.Dân cất nhà xúm xít,hàng cây bần cổ thụ gốc to, nghiêng ngửa trên đất bồi, bầy khỉ rừng qui tụ,miệng la chót chét, hái trái bần còn xanh ném xuống mầy chiếc ghe đang đậu lại nấu cơm.

Chợ Rạch Giá hiện ra dần dần nhiều xuồng nhỏ bơi tới bơi lui, sát bên ghe khách vãng lai để mời mọc ăn chè, ăn bánh canh ngọt, bánh canh mặn, nước ngọt(gọi là rượu bọt bỏ ve,hoặc xá xị).

Ghe xuồng giảm tốc độ di chuyển để tránh đụng chạm nhau.Người trong ghe ngóng cổ ra ngoài xem cảnh chợ náo nhiệt trên bờ,rồi nhanh  nhẹn vào mui thay quần áo,bộ quần áo đã giặt kỹ, xếp ngay ngắn, dằn dưới chiếu, hằng đêm ngủ lên trên cho thẳng thớm. Miền quê thuở ấy chưa ai xài bàn ủi (bàn là)họa chăng vài nhà điền chủ lớn mà thôi.Cha mạnh dạn đi trước, khép nép sát bên lề, hai đứa con trai theo sau, còn nắm tay nhau, sợ đi lạc, nhưng mươi bước sau thấy dạn dỉnh.

Chỉ phiền cho đôi guốc gỗ, đứa anh thì đi được, tuy đau nhói vì đôi quai hàm làm bằng da heo (thuộc cho cứng ở Chợ Lớn ), làm phồng da, đứa em thì cứ xách đôi guốc vào tay, đi chân đất,gọi thế nhưng là đi trên đường tráng đá,tuy nóng nhưng dễ chịu.Lần hồi,hai cậu bé (bóng dáng của người viết hồi ký nầy )thấy dạn dĩ hơn vì chung quanh tuy có người giàu nhưng còn quá nhiều đứa bé lam lũ,lặn hụp dưới con rạch mà nước dơ đổi ra màu đen.Bóng dáng của những người vác lúa.Họ còng lưng,mồ hôi chảy ròng ròng. Sát bên lề đường là quán nhỏ, che lá rách, bán thức ăn, thức uống cho dân lao động. Ðến nhà quen,tạm trú một đêm, đêm ở chợ, áo nhiệt quá, trẻ con đùa giỡn dầy ngõ hẻm, nhà chật, cứ ngồi co rút trong nhà. Vài đứa trẻ rủ đi chơi, ra đường cái.

Ðến mé rạch, bờ kè đá, thấy nhóm người dụm lại đờn ca. Ai cũng biết đờn ca Vọng cổ, với đàn kìm, đàn cò...Họ thay phiên nhau hát, điệu nhạc buồn nhưng nghe cũng vui vui, nhờ điệu bộ diễn xuất,vụng về nhưng như thật, gương mặt của kẻ bị phụ tình...Cử tọa mĩm cười. Cử tọa là đám bình dân, quần áo vừa chỉnh tề vừa buông thả, nút áo ở cổ không gài, áo bà ba, họ là phu vác lúa, có người là phu xế (gọi là lơ xe đò,xe khách )có kẻ hút thuốc liên miên. Họ hứa lần sau sẽ đem thêm rượu và thức ăn nhậu.Vài người qua lại đứng nhìn, dường như chê bĩu. Nhưng Vọng cổ đem lại cho họ niềm tự tin về nhạc Việt Nam.

Lớn lên,t ôi mới hiểu thêm đây là sức mạnh của vô thức, tiềm thức. Ai mà biết hơi hướm của bản nhạc còn thô kệch nầy đã cò từ buổi người xứ Huế than thở cho số phận của công chúa Huyền Trân “mượn màu son phấn, đền nợ Ô Ly”qua nhịp phách khoan thai, rồi đến đá Vọng Phu, Phú Yên.

Bấy lâu nay, ở vùng sông nước chằng chịt với chợ làng,chợ nổi ven sông, đêm thanh vắng những câu hò,câu lý xen nhau dài theo con rạch,con kênh gần như vô tận,qua khúc loi khúc vịnh,về đêm,trên nhánh “bần gie có đóm đậu sáng ngời”.Lấy nỗi buồn sâu kín của kẻ chịu đi xa,thật xa để làm ruộng gần như không ngày về, để làm vui!Bản Vọng cổ nhờ nhiều địa phương,nhiều giọng hát điều chỉnh lại hơn 10 năm sau mới tạm định hình, để lấn chiếm từ từ bản Tứ Ðại Oán.Sáng tạo là mở rộng,ai hay đó là nhạc Việt Nam hội nhập với hơi hướm nhạc Ðông Nam Á của khối Ấn Ðộ, Chiêm Thành dễ nhận ra tuy đã nhuần nhuyễn, trở thành một thứ dân ca cao cấp của vùng đồng bằng và cả Nam Bộ. Giọng ca phải “muồi mẫn”,theo nhgĩa là lãng mạn,buông thả tự do nhưng giữ chắc nhịp.
Người ca ở mức trung bình có thể tự nhận là kẻ tài tử, để rồi rèn luyện kỹ thuật, giữ “điệu nghệ”tức là kỷ luật nội bộ lúc giao du với các bạn tài tử khác.Ca không phải để kiếm tiền nhưng là để “di dưỡng tánh tình, theo nghiã thư giãn, giải toả những bức xúc vì sinh kế làm ăn tư bản thực dân đang chế ngự. “Thiếp tâm cổ tỉnh thủy”.Câu thơ Ðường mà sau nầy tôi đọc được nhắc nhở mãi một điều quan trọng. Lòng dạ người thiếu phụ giữ chung thủy với người yêu,sống thầm lặng như nước giếng mát lạnh,không nhơ bợn, ở đáy một giếng xưa, vô danh, qua sự thử thách của thời gian.

Một thái độ bảo thủ quí giá, đanh khiêm tốn. “Ếch ngồi đáy giếng, thấy bao lăm trời”. Ra khỏi miệng giếng để mở rộng tâm hồn nhưng nên nhớ mãi những gì quí giá mà mình đã hấp thụ được ở đáy giếng. Ðể lần hồi thấy “chốn quê hương hơn cả.” Ðáy giếng xxua xem như chẳng có giá trị,nhưng lắm người không có được cái giếng ấy để làm chuẩn, đối chiếu với những gì rạng rỡ,mà lắm khi phù phiếm trên bầu trời, đó đây. Vùng nông thôn quê mùa lắmkhi là khởi hứng của người làm văn chương thi phú.Và đối với đứa học trò nhỏ, sinh trưởng ở thành thị thì cái thành thị buổi xưa vẫn là nơi quê mùa,một thứ “thiên đường thơ ấu”.

Rạch Giá, xứ quê của tôi là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh, không có cây đước với rễ chằng chịt từ trên cao mọc tua tủa, cắm xuống bãi như ở Cà Mau.Nước biển tại Rạch Giá thiếu độ mặn để làm ruộng muối. Cây giá ấy gần như không còn, họa chăng ở mạn Nam bờ Rạch Giá, ăn xuống phía Cà Mau. Rải rác vài cây khá to,lá xanh và lá mà máu chen nhau trên một cành,về già,lá giá đổi ra màu đỏ,tươi mát chớ không đổi ra lá vàng. Rễ cây giá không to, cứ chằng chịt quấn vào nhau theo vòng tròn, trông như ở dưới gốc có mang theo một cái lốp xe, sóng đánh mạnh,gió thổi to thì thân cây cứ lúc lắc qua phải, qua trái, rễ không ăn chặt vào đất bùn. Mủ cây giá khá độc, nếu rủi dính vào mắt.